Language

Vietnam School of Science - Alumni Story

Vietnam School of Science - Alumni Story

Sau VSSS, mình có động lực phát triển, có quyết tâm đạt được mục tiêu và có luôn phương pháp, tấm gương để noi theo thực hiện.
[𝐀𝐋𝐔𝐌𝐍𝐈 𝐒𝐓𝐎𝐑𝐘] Phạm Phú Quân - VSSS10

Khoa học mở ra cánh cửa đến những khám phá thú vị và những chân trời mới, luôn thôi thúc con người dấn thân và theo đuổi. Mỗi nhà khoa học đều có câu chuyện của riêng mình, đó là hành trình của đam mê, kiên trì và quyết tâm chinh phục tri thức. Phạm Phú Quân, cựu học viên VSSS'10, là một trong số đó. Hãy cùng lắng nghe hành trình truyền cảm hứng của Quân nhé!

Bản quyền thuộc về Trường Hè Khoa học Việt Nam (VSSS)

“Chương trình Trường hè Khoa học Việt Nam (VSSS) đến với mình qua các thông tin trên mạng xã hội và từ Trung tâm ICISE. Nhận thấy đây là một cơ hội tuyệt vời để bắt đầu tìm hiểu về khoa học, mình đã không ngần ngại nộp đơn ứng tuyển làm học viên của VSSS. Mình rất mong chờ được tham gia các bài giảng nền tảng, mà mình gọi là "fundamental lectures," bởi đây là những kiến thức thiết yếu để tiến sâu vào khoa học, cũng như được nghe những câu chuyện thú vị mà các Thầy Cô đã trải qua trong nghiên cứu.

Khi tham gia VSSS lần thứ 10, mình đã có cơ hội gặp gỡ và làm quen với rất nhiều bạn bè. Đến bây giờ, chúng mình vẫn thường xuyên hỗ trợ, trao đổi và kết hợp với nhau trong công việc. Những ngày ngắn ngủi tại VSSS, mình đã gặp gỡ những người bạn tài năng tại đây, mình đã học được nhiều điều quý giá, những ý tưởng và phong cách mới lạ của các bạn. Điều đó đã giúp mình khơi dậy được một số hướng đi trong việc phát triển bản thân và thực hiện các mục tiêu.

Image 1
GS. Jean Trần Thanh Vân phát biểu khai mạc VSSS 10
Embracing the Past – Shaping the Future
Image 2
Các học viên VSSS 10 đến từ Khoa Khoa học và Công nghê Vật liệu
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM
Image 3
Team 9 tại buổi thi VSSS Science-A-Thon
Image 3
Phạm Phú Quân cùng các đồng đội tại Team 9
Image 3
Phạm Phú Quân cùng các đồng đội tại Team 9
Hành trình nghiên cứu

Về chặng đường nghiên cứu và theo đuổi khoa học, từ lúc còn là học sinh, mình đã nuôi dưỡng niềm đam mê với khoa học, nhưng gia đình mình không có điều kiện để hỗ trợ chi phí thí nghiệm, đơn giản như kính thiên văn khúc xạ, hay tiếp cận với internet/ máy tính. Vì thế, hành trình của mình bắt đầu từ những kiến thức trong các chương trình phim tài liệu khoa học trên VTV2.

Khi lên đại học, mình may mắn được gặp gỡ những Thầy Cô là những nhà khoa học thực thụ tại Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu (ĐH KHTN, ĐHQG-TPHCM). Chính lúc đó, mình đã nhận ra rằng đây là con đường duy nhất để mình có thể "đi vào khoa học" và thay đổi tương lai của mình. Những trải nghiệm này đã khẳng định cho mình rằng niềm đam mê khoa học từ thuở nhỏ hoàn toàn có thể biến thành hiện thực, bất chấp mọi khó khăn.

Lĩnh vực nghiên cứu chính của mình là về chế tạo các cấu trúc và lớp phủ bán dẫn, hướng đến chế tạo linh kiện bán dẫn. Khoảng năm 3 Đại học, mình đã lần đầu tiếp cận với Phòng thí nghiệm, dù có chút hụt hẵng về thực tế sự thiếu thốn của nước ta, nhưng với sự tò mò và thích thú về sự vận động vật chất, đam mê với khoa học trong mình vẫn không dập tắt. Sau một thời gian "tìm kiếm" và tập trung suy nghĩ về những cái thực tế chứ không mơ về những điều xa vời của thế giới, mình đã mạnh dạn đề xuất một nghiên cứu mới. Mình rất may mắn là Thầy Cô đã đồng ý và mình cảm giác rằng các Thầy Cô đã đặt niềm tin vào mình. Mình muốn dành một chút thời gian tại đây để nói rằng sẽ không có ngày hôm nay nếu không có các Thầy Cô tại Khoa đã giúp đỡ.

Tuy nhiên, trong hơn 2 năm triển khai (từ 2021), dù làm không ngừng nghỉ, có cả ngày lẫn đêm, mình vẫn không thể tạo ra được linh kiện như mong muốn. Đây là giai đoạn khó khăn và thách thức cả về và chuyên môn, tài chính và tinh thần với cả nhóm thí nghiệm mà mình làm việc. Có lẽ may mắn đã không bỏ rơi mình, cuối cùng mình cũng làm ra linh kiện, bắt đầu giải thích về nó. Hiện tại, nhờ sự hỗ trợ của GS. Brugger tại EPFL, dù không thuộc về dự án nào của GS, nhưng GS vẫn hỗ trợ chi phí cho mình tiếp tục phát triển chủ đề đó. Trong tương lai, mình và các Thầy Cô của mình đã đặt mục tiêu sẽ phát triển thành công sản phẩm có khả năng ứng dụng, một kiến trúc cho mạng thần kinh nhân tạo. Khi sản phẩm này xuất hiện, điều này cũng đánh dấu rằng ở Việt Nam chúng ta có thể làm ra được, có thể nghiên cứu về linh kiện bán dẫn mặc dù khó khăn về kinh tế và nguồn lực vẫn tồn tại ở nước ta.

Trải nghiệm và sự đúc kết sau VSSS 10
1 / 3
Image 1
Phạm Phú Quân trình bày tại cuộc thi NEXT-GEN VSSS CHALLENGE
2 / 3
Image 2
Bài dự thi NEXT-GEN VSSS CHALLENGE
Tăng cường kết nối khoa học - Kết nối khoa học cụ thể
3 / 3
Image 3
Các nội dung đề xuất hướng đến khoa học liên ngành

Mình chưa có đủ trải nghiệm và góc nhìn toàn diện về các định hướng nghiên cứu phổ quát, nhưng mình xin đóng góp một vài ý kiến đến các nhà nghiên cứu trẻ, dựa trên những vấn đề mà mình đang nghiên cứu. Đây cũng là những giá trị mà một học viên, một nghiên cứu sinh cần có:

Thứ nhất, yếu tố quan trọng để đạt được thành công trong khoa học là tính cầu thị. Chúng ta cần luôn luôn đặt mình vào các vấn đề và mong muốn giải quyết chúng. Vì thế, các bạn trẻ hãy rèn luyện cho mình tính cầu thị, luôn luôn học cách “tìm kiếm”, tìm ra để bắt kịp với xu hướng, tim ra để hiểu rõ hiện tượng và từ đó mới hiểu tác động dài hạn cho nghiên cứu của chúng ta để đặt được mục tiêu nghiên cứu.

Thứ hai, trong thời đại khoa học liên ngành, chúng ta nên luôn cập nhật thông tin, chia sẻ và giao lưu khoa học với các thành viên từ các lĩnh vực nghiên cứu khác. Đôi khi chúng ta không thể tự giải thích những hiện tượng gặp phải, nhưng sự chia sẻ và giao lưu sẽ mang lại những gợi ý và ý tưởng quý báu: có những chuyện người trong cuộc không nhìn rõ được (Onlookers see most of the game).

Cuối cùng, mình xin nhấn mạnh rằng việc trau dồi ngoại ngữ rất quan trọng. Đọc và dịch các báo cáo khoa học quốc tế sang tiếng Việt có thể giúp bạn hiểu, nhưng đôi khi không sâu sắc và cụ thể. Hãy đặt mục tiêu ngoại ngữ cho bản thân rằng một ngày nào đó bạn sẽ được nói chuyện với chính tác giả hoặc những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Điều này sẽ rất thú vị và đầy hứng khởi. Đừng lo lắng về việc nói không lưu loát hay không đúng ngữ pháp; chỉ cần bạn chú ý đúng từ và nhấn nhá, mình tin rằng mọi người sẽ hiểu bạn. Nếu có sai sót, mọi người trên thế giới luôn sẵn lòng lắng nghe và chờ bạn giải thích lại. Điều này không nhằm vào các bạn tài năng hay để tranh luận, mà mình chỉ muốn chia sẻ góc nhìn đến những bạn đang gặp khó khăn với việc học ngoại ngữ hoặc chưa thực sự chú tâm vào ngoại ngữ.


Lời cảm ơn

Mình (em) xin trân trọng cảm ơn VSSS và các thành viên tình nguyện viên đã giáo dục và truyền tải đam mê đến những người mới bắt đầu vào khoa học như mình. Hy vọng VSSS sẽ mãi trường tồn và liên tục hỗ trợ đào tạo ra các nhà khoa học cho Việt Nam trong thời kỳ phát triển này.”


____________________________________
TRƯỜNG HÈ KHOA HỌC VIỆT NAM 2024
Thời gian: 19-22/08/2024, Quy Nhơn, Bình Định.
Website: truonghekhoahoc.com.
Fanpage: Vietnam School of Science

Bình luận

Previous Post Next Post