Language

Introduction of Resistive Random Access Memory (RRAM)

PGS. TS. Phạm Kim Ngọc

Keywords: Memristor, RRAM, Non-volatile memory 

Resistive Random Access Memory (RRAM) là một trong ba linh kiện trở nhớ có hai cực có cấu trúc tụ điện: một lớp màng mỏng điện môi hay bán dẫn xen giữa hai lớp màng mỏng điện cực (điện cực đỉnh và đáy) tạo thành cấu trúc kim loại – điện môi – kim loại (MIM) (Hình 1). Quá trình đảo điện trở thuận nghịch giữa hai trạng thái điện trở cao (HRS) và điện trở thấp (LRS) của cấu trúc được điều khiển bằng cách áp tín hiệu điện (dòng hoặc thế) vào các điện cực đỉnh và điện cực đáy. Hai trạng thái điện trở này tương ứng với hai trạng thái “0” và ‘1” trong bộ nhớ điện tử.

Hình 1. Cấu trúc của một ô nhớ RRAM

Lớp vật liệu điện môi bao gồm vật liệu perovskite (SrTiO3, SrZrO3, Pr0.7Ca0.3MnO3, La0.7Ca0.3MnO3…), vật liệu ô xít kim loại (ZnO, TiO2, NiO, WO3, CuOx…), vật liệu hữu cơ và nhiều loại khác. Trong các vật liệu đó, gần đây, các nhà khoa học quan tâm nhiều đến các loại vật liệu ô xít kim loại với nhiều ưu điểm như dễ chế tạo, hoạt động ổn định, độ bền cao và tiết kiệm năng lượng khi hoạt động [1], [2]. Các điện cực sử dụng là các màng mỏng kim loại hay màng mỏng dẫn điện trong suốt (TCO).

Phân loại RRAM

Bộ nhớ RRAM có thể được phân loại căn cứ vào đặc trưng đảo điện trở theo điện áp phân cực và cơ chế điều khiển quá trình đảo điện trở thuận nghịch.

Theo điện áp phân cực: 

Căn cứ vào đặc trưng đảo điện trở từ đặc trưng dòng – thế (I – V), bộ nhớ RRAM được chia thành hai dạng là biến đổi đơn cực và biến đổi lưỡng cực.

·     Sự đảo điện trở đơn cực (unipolar): Điện thế VS (chuyển đổi từ trạng thái OFF sang trạng thái ON) cùng chiều với điện thế VRS (chuyển đổi từ trạng thái ON sang trạng thái OFF). Hai điện thế VS và VRS có thể có độ lớn bằng nhau hoặc khác nhau. Có nghĩa là sự chuyển đổi giữa hai trạng thái điện trở chỉ phụ thuộc vào độ lớn của điện thế áp vào cấu trúc, không phụ thuộc vào chiều phân cực của điện thế (Hình 2.a)

·     Sự đảo điện trở lưỡng cực (bipolar): Điện thế VS và điện thế VRS là các điện áp ngược chiều nhau. Sự thay đổi giữa 2 trạng thái điện trở không chỉ phụ thuộc vào độ lớn của điện thế áp vào mà còn phụ thuộc vào chiều phân cực của điện thế (Hình 2.b).


Hình 2. Cơ chế đảo điện trở đơn cực (a) và lưỡng cực (b).

Theo cơ chế đảo điện trở thuận nghịch

Năm 2010, tác giả Waser đã công bố cách phân loại RRAM theo cơ chế điều khiển quá trình đảo điện trở [20]. Theo sự phân loại này, bộ nhớ RRAM được phân chia thành 5 loại (Hình 1.4): cơ chế thay đổi pha (Phase Change Memory - PCM), cơ chế hóa nhiệt (Thermal Chemical Memory - TCM), cơ chế thay đổi hóa trị (Valence Change Memory - VCM), cơ chế kim loại hóa điện hóa (Electrochemical Metallization - ECM) và cơ chế tĩnh điện (Electrostatic/Electronic Mechanism - EEM). 

Phân loại RRAM theo cơ chế hoạt động.

Các yêu cầu quan trọng của bộ nhớ RRAM

a)   Độ đồng nhất (uniformity): điện áp điều khiển quá trình đảo điện trở ổn định và các giá trị điện trở tương ứng ở 2 trạng thái cao ổn định theo thời gian và không gian (toàn bộ các phần tử nhớ trong bộ nhớ).

b)  Độ bền (endurance): Số lần ghi/xóa/đọc dữ liệu lớn.

c)  Thời gian lưu trữ (retention): Thời gian lưu trữ dữ liệu và tỷ số giữa giá trị điện trở cao và thấp ổn định trong khoảng thời gian dài trên 10 năm.

d)  Hoạt động đa mức: tăng khả năng lưu trữ dữ liệu theo các giá trị điện áp. Ứng với các giá trị điện áp sẽ có giá trị điện trở tương ứng .

e)  Xu hướng thu nhỏ kích thước: nhằm nâng cao khả năng tích hợp, giảm chi phí nguyên vật liệu nhưng vẫn duy trì dung lượng lưu trữ lớn.

Tóm lại, để cạnh tranh với các thiết bị có kết nối ngoài và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bộ nhớ không khả biến mật độ cao, một bộ nhớ RRAM cần có những đặc điểm cơ bản như Waser đã đề nghị như trong bảng [3]:

Độ bền

>107 vòng lặp (bộ nhớ Flash 103…107)

Tỷ số điện trở

ROFF/RON>10

Dòng đọc

ION khoảng 1µA (do chu vi mạch)

Khoảng 104 A/cm2 (cho ô nhớ 100 nm x 100 nm)

Khả năng tích hợp

F < 22 nm  hoặc cấu trúc xếp chặt 3D

Thế ghi

Từ 1…5V (bộ nhớ Flash > 5 V)

Thế đọc

Từ 0,1…0,5 V

Tốc độ ghi

< 100 ns (bộ nhớ Flash > 10 µs)

Khả năng lưu trữ

> 10 năm


Tài liệu tham khảo

  1. C. Ye, J. Wu, G. He, J. Zhang, T. Deng, P. He, and H. Wang, “Physical Mechanism and Performance Factors of Metal Oxide Based Resistive Switching Memory: A Review,” J. Mater. Sci. Technol., vol. 32, no. 1, pp. 1–11, 2016.
  2. H. Akinaga and H. Shima, “Resistive Random Access Memory (RRAM) Based on Metal Oxides,” Proc. IEEE, vol. 98, no. 12, pp. 2237–2251, 2010. 
  3. R. Waser, R. Dittmann, C. Staikov, and K. Szot, “Redox-based resistive switching memories nanoionic mechanisms, prospects, and challenges,” Adv. Mater., vol. 21, no. 25–26, pp. 2632–2663, 2009.

Bình luận

Previous Post Next Post